Chủ nhật, 10/11/2024 - 16:00

Nghệ An: Đồng bộ giải pháp thúc đẩy thương mại nội địa

Nghệ An xác định triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại nội địa của tỉnh, đồng thời góp sức phát triển sản xuất công nghiệp.

Còn hạn chế trong phát triển thương mại

Ông Phạm Văn Hoá- Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay: Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai đã thúc đẩy sản xuất, giúp các nhà sản xuất, kết nối với hệ thống phân phối, người tiêu dùng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Nghệ An hiện có 376 chợ, 21 trung tâm thương mại và 35 siêu thị; hơn 600 cửa hàng xăng dầu, có 173 làng nghề, 832 hợp tác xã và hơn 35.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động, toàn tỉnh có 403 sản phẩm OCOP, 96 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh và nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại.

Phạm Văn Hóa- Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An. Ảnh Việt Hiến
Ông Phạm Văn Hóa- Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An. Ảnh Việt Hiến

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Dù vậy, lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An cũng chỉ ra, thương mại nội địa của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó, biến động về giá nguyên liệu đầu vào và giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao đã ảnh hưởng, dẫn tới biến động giá tiêu dùng nội địa.

Cung cầu hàng hóa về cơ bản được bảo đảm nhưng vẫn còn những biến động do mất cân đối cục bộ ở một số nơi, một số thời điểm, còn thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng.

Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa (bao gồm cả kho lạnh) chưa theo kịp với nhu cầu phát triển; hạ tầng thương mại ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển và chưa đồng bộ làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh, chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường trong nước.

Kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế. Ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng chợ rất thấp so với các lĩnh vực khác, hầu như chưa có chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng...) đầu tư phát triển cho ngành phân phối bán lẻ nói riêng và cho hệ thống hạ tầng thương mại nói chung.

Đồng bộ các giải pháp

Qua thực tiễn quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua, ông Phạm Văn Hóa cho rằng: Để đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Trong đó, địa phương phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, tổ hợp thương mại dịch vụ tại các khu vực đô thị. Ưu tiên tập trung phát triển mạnh loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa.

Sản phẩm của dự án được bán tại siêu thị Go! Đà Lạt
Nghệ An: Đồng bộ giải pháp thúc đẩy thương mại nội địa

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng thông qua việc đổi mới phương thức, lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào chương trình kích cầu tiêu dùng và thực hiện bình ổn thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong tỉnh; quảng bá đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Nghệ An.

Cùng đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn vị sản xuất, kinh doanh của tỉnh trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số và hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ với sản xuất, thúc đẩy cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết phát triển kinh tế vùng.

Thương mại là động lực thúc đẩy sản xuất và dịch vụ, do vậy Nghệ An xác định thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này là nhiệm vụ rất quan trọng”, ông Hóa nhấn mạnh.

Để có thể thực hiện được các giải pháp trên, ngoài sự cố gắng của tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An, đề nghị, Bộ Công Thương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về Phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP để phù hợp các quy định hiện hành và thực tế phát triển chợ hiện nay. Đồng thời, sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án chợ, hướng dẫn quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ để địa phương có căn cứ triển khai một cách đồng bộ và phù hợp với quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ, bố trí nguồn vốn nâng cấp xây dựng hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu biên giới; hỗ trợ đối với các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất kinh doanh tại khu vực miền núi, biên giới, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Lượt xem: 9
Tác giả: Hải Linh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật