Xã đảo Việt Hải (Hải Phòng): Làm gì để phát triển lợi thế du lịch?
Khai thác lợi thế “đảo của đảo”, xã Việt Hải (Cát Hải, Hải Phòng) khởi động mô hình Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch” để quảng bá vẻ đẹp địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sốn
Khách du lịch đến với Việt Hải. |
Với diện tích gần 6.500 ha, Việt Hải hiện lên như bức tranh “sơn thuỷ hữu tình” với hệ sinh thái phong phú, nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ thế giới.
Lan toả vẻ đẹp quê hương
Việt Hải nằm biệt lập với huyện đảo Cát Hải, cách thị trấn Cát Bà 45 phút đi tàu. Toàn xã có 87 hộ dân với gần 300 nhân khẩu. Từ nhiều đời nay, người dân chỉ quen “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Gần đây khi du lịch phát triển, nông dân xã đảo đã tận dụng được lợi thế địa phương, kinh doanh du lịch đem lại thu nhập bình quân ước tính gần 90 triệu đồng/người/năm.
Nằm sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà và Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long, Việt Hải là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ thế giới mà đặc trưng là loài vọoc Cát Bà và cây kim giao. Nhờ vào lợi thế hiếm có này, những năm gần đây, xã đảo đang trở thành điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Anh Trần Văn Vịnh, quản lý cơ sở du lịch “Làng sinh thái Việt Hải” là một trong những người tiên phong làm du lịch sinh thái ở làng quê Việt Hải. Đến nay cơ sở của anh Vịnh đã có tên tuổi và quy mô lớn nhất xã. Hiện anh Vịnh đang hướng đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn như: Chăn nuôi, xay thóc, giã gạo, trồng mía, cấy lúa... Đó là những hoạt động quen thuộc của người nông dân Việt Nam. Đây cũng là hình thức du lịch đồng quê thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.
Thoăn thoắt lượm những mớ rau hữu cơ tươi xanh, non sạch, bà Vũ Thị Hồng Gấm - tổ trưởng một tổ hợp tác trồng rau hữu cơ nhanh nhảu tiếp chuyện: “Nông dân Việt Hải giờ không chỉ đơn thuần làm một nghề mà còn có thêm nghề tay trái là hướng dẫn viên du lịch. Công việc hàng ngày chúng tôi vẫn hoàn thành và còn thêm niềm vui khi giúp du khách trải nghiệm cánh đồng rau sạch”.
Theo bà Gấm, việc sản xuất nông nghiệp hiện nay hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống vì được sự hỗ trợ về thiết bị, dụng cụ và phân bón của chính quyền và các công ty lữ hành. Vì thế, thu nhập của người nông dân cũng tăng lên. Đặc biệt là lan tỏa được vẻ đẹp quê hương và quảng bá những sản phẩm sạch đến với khách thập phương.
Theo thông tin từ xã Việt Hải, năm 2023, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tham gia mô hình đạt khoảng 25 - 35 triệu đồng/tháng. Năm 2024, xã đảo đón 100.000 lượt khách, thu nhập bình quân đầu người chạm ngưỡng 90 triệu đồng/người/năm.
Điều đáng nói, các hộ kinh doanh du lịch đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, hiện nay địa phương không có hộ nghèo và cận nghèo.
Điểm tựa cho du lịch “cất cánh”
Bà Nguyễn Ngọc Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Hải cho hay: Việt Hải là xã thuần nông, điều kiện giao thông và hạ tầng còn khó khăn nhiều so với đất liền. Khoảng 15 năm trở về trước, người dân xã Việt Hải chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống của họ khó khăn. Ngày nay, cùng với thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, du lịch đã có điểm tựa để phát triển.
Năm 2015, trên địa bàn cũng chỉ có 1 cơ sở lưu trú (homestay), lượng khách du lịch đến Việt Hải chỉ đạt khoảng hơn 9.000 lượt khách. Đến nay, lượng khách du lịch đến Việt Hải đã tăng lên nhiều lần. Từ năm 2019, thu nhập từ ngành du lịch chiếm khoảng 70 - 80% tổng thu nhập toàn xã.
Bà Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết thêm, để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân, Hội Nông dân xã Việt Hải đã ra mắt mô hình Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch”. Câu lạc bộ giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa lý, thời tiết nơi đảo xa và xây dựng điểm những mô hình trải nghiệm trồng lúa; trồng sen và cày cấy truyền thống phục vụ khách nước ngoài... Điều mà khách du lịch ấn tượng với Việt Hải là toàn bộ giá dịch vụ được niêm yết công khai, không có hiện tượng chèo kéo hay bắt chẹt khách.
Ông Vũ Phi Hùng - Chủ tịch UBND xã Việt Hải cho biết, để phát triển du lịch thì mỗi người dân Việt Hải đều là một nhân tố góp phần quảng bá hình ảnh quê hương với du khách. Thực tế, các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Việt Hải hiện tại còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Việt Hải chưa được công nhận là điểm du lịch, nên theo quy định, địa phương không được phép bán vé thăm quan cho du khách.
Bên cạnh đó, việc thiếu các điểm vui chơi, giải trí cũng khiến thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch rất hạn chế. Nguồn thu chủ yếu từ các cơ sở du lịch là tiền thuê xe điện và bán nước giải khát. Một khó khăn khác là: Việt Hải nằm trong khu vực vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà và Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long nên việc xây mới hay sửa chữa cơ sở hạ tầng, đặc biệt, việc xây dựng các công trình dành cho khách du lịch lưu trú hầu như không thể thực hiện. Vì thế, tỷ lệ khách lưu trú tại Việt Hải hiện vẫn ở mức thấp so với lượng khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện cả xã Việt Hải chỉ có 4 homestay với 60 phòng. Vì thế, năm 2024 chỉ có khoảng 2.000 du khách lưu trú tại đây.
“Để người dân Việt Hải mạnh dạn, tự tin phát triển du lịch, các cấp, ngành thành phố Hải Phòng cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, trang bị kiến thức về làm du lịch, tập huấn văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch”, Chủ tịch xã Việt Hải bày tỏ mong muốn.