Xây dựng các kịch bản kinh tế cụ thể cho từng thời gian, giai đoạn
Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023, đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị TP giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến lạm phát; Nâng cao công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2023; Xem xét xây dựng các kịch bản kinh tế cụ thể cho từng thời gian, từng giai đoạn của nền kinh tế.
Ngày 7/12, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào 5 nhóm nội dung: Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của TP; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách TP Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025; Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023; Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ |
Tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông tiền tệ và giao dịch bất động sản
Theo tổng hợp của HĐND TP, các tổ đại biểu HĐND TP đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng với 55 lượt đại biểu phát biểu với gần 200 nội dung, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ.
Theo đó, về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 của TP, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của TP trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và của HĐND TP trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH đã được xác định từ cuối năm 2021 và nội dung triển khai công tác năm 2022.
Đặc biệt là đánh giá nỗ lực của hệ thống chính trị TP, Đoàn địa biểu Quốc hội TP trong việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để báo cáo Chính phủ và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô; Phối hợp với các tỉnh ký giao ước thi đua hoàn thành giải phóng mặt bằng để khởi công dự án, tạo cơ hội phát triển cho TP và cả vùng trong tương lai gần.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm; Bổ sung, đánh giá làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP.
Đại biểu cũng đề nghị có thống kê làm rõ nguyên nhân của tình trang vi phạm trật tự xây dựng còn xảy ra, nhất là vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp để có biện pháp xử lý và quản lý trong thời gian tới; Báo cáo rõ hơn nguyên nhân chậm thực hiện đánh giá trường chuẩn quốc gia và công nhận, công nhận lại các trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch; Tình trạng thiếu trường công lập tại một số khu vực, địa bàn các quận nội thành, chậm triển khai dự án trường học tại các dự án phát triển đô thị; Tình trạng nhiều giáo viên công lập nghỉ việc, thôi việc, nhất là giáo viên mầm non; Làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công trên địa bàn TP.
Đại biểu thảo luận tại tổ |
Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH trong năm 2023, đại biểu đề nghị TP có giải pháp cụ thể để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến lạm phát; Nâng cao công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2023; Xem xét xây dựng các kịch bản kinh tế cụ thể cho từng thời gian, từng giai đoạn của nền kinh tế.
TP tập trung thực hiện kịp thời các giải pháp vĩ mô để tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông tiền tệ và giao dịch bất động sản; Rà soát tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn năng lực thực hiện, các giải pháp liên quan đến tín dụng ngân hàng. Đại biểu đề xuất UBND TP tổ chức hội nghị đối thoại để TP được nghe các doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất cụ thể.
TP cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm; Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy, phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ; trong đó có các chính sách hỗ trợ quy hoạch làng nghề và hoạt động của các làng nghề trên địa bàn TP; Tiếp tục quan tâm đến hỗ trợ các huyện xa trung tâm trong phát triển kinh tế, hỗ trợ đầu tư.
Cùng với đó, TP cần tập trung nguồn lực thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia; Ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; Có các biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực y tế như: Tình trạng thuốc giả, nguồn nhân lực ngành y tế...
Xem xét việc tách nội dung GPMB thành dự án riêng
Về Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; Định mức phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025; Đại biểu HĐND TP đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo đặc điểm từng đơn vị quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo nguồn lực cho các địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn; Xem xét việc xác định tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sau khi trừ đi kinh phí đầu tư hạ tầng cho các khu đất đấu giá.
Quang cảnh thảo luận tổ |
Về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023 (gồm phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công năm 2023; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp TP), đại biểu đề nghị UBND TP xem xét việc tách nội dung giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án riêng để triển khai thực hiện.
Đối với nội dung ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân sách thành phố đầu tư dự án Nông thôn mới trên địa bàn các xã Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, các huyện Nông thôn mới, đại biểu cho rằng, việc tiếp tục ưu tiên sử dụng ngân sách TP hỗ trợ đầu tư vốn từ ngân sách TP các dự án khởi công mới ở xã đã hoàn thành Nông thôn mới nâng cao năm 2022, dự án các địa bàn nhiều tiềm năng (như các huyện đang thực hiện đề án lên quận) là chưa phù hợp trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách TP còn hạn chế, đang phải căn cơ để thực hiện các nhiệm vụ quan trong khác. Đại biểu đề nghị UBND TP rà soát nên ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nơi chưa đạt chỉ tiêu này.
Về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, đại biểu đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát kỹ các dự án cần đảm bảo đẩy đủ các điều kiện mới trình HĐND TP xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư; Chỉ đạo tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện dự án theo quy định, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ dự án đã được phê duyệt.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, đại biểu đề nghị có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 04/NQ-HĐND của HĐND TP, đặc biệt là các giải pháp, chính sách tháo gỡ các vướng mắc cho từng dự án; Thực hiện các biện pháp mạnh để thu hồi các dự án không đủ điều kiện, công khai các dự án đủ điều kiện thu hồi, công khai việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tháo gỡ khó khăn và có biện pháp xử lý các dự án BT để triển khai thực hiện.