Đồng Tháp tìm hướng đột phá phát triển khoa học, công nghệ
Sáng 5/5, tại thành phố Cao Lãnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội nghị chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu tỉnh và trực tuyến đến hơn 230 điểm cầu ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, việc tổ chức Hội nghị này nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống chính trị tại địa phương; nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức sai lệch về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại hội nghị, trình bày chuyên đề về đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, đặt ra những mục tiêu quan trọng cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có. Nghị quyết số 57-NQ/TW có nhiều điểm đột phá là: Đảng ta đã đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045 ở mức cao để Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao; đột phá về tư duy trong quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D)…
Gợi ý những giải pháp để Đồng Tháp thực hiện hiệu quả việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Tiến sĩ Nguyễn Quân cho rằng, tỉnh nên tăng đầu tư kinh phí cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bởi, theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, lâu nay, các cơ quan quản lý và dư luận xã hội đều quan niệm các nhiệm vụ nghiên cứu được Nhà nước tài trợ phải thành công 100%, nếu không thành công sẽ bị coi là lãng phí, gây thất thoát ngân sách. Nhưng thực tế, làm nghiên cứu là phải tìm ra cái mới, vì thế luôn tiềm ẩn khả năng thất bại.
Tại Đồng Tháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 94-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Theo đó, Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh thuộc nhóm các địa phương ở mức khá về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước; xếp hạng chỉ số chuyển đổi số số thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2030, sẽ dành kinh phí cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GRDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt hơn 80%; trên 40% trong tổng số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo./.
Nhựt An