Chủ nhật, 10/11/2024 - 06:10

Doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước: Liệu có nắm được cơ hội vàng?

Tìm nguyên liệu thay thế trong nước, thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian giao hàng… là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đang xoay sở để ứng phó trước tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Hơn 40 tỷ USD cho chế tạo trong nước

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) lấy ví dụ cụ thể: Theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến 2045, công suất đạt 40.000 MW và có thể phát triển thêm tùy tình hình thực tế. Như vậy, riêng giá trị lắp đặt cho các dự án điện gió này mà các doanh nghiệp chế tạo trong nước có thể tham gia vào sẽ lên tới con số hơn 40 tỷ USD.

Doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước: Liệu có nắm được cơ hội vàng?

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAMI

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Hiếu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) cũng có cái nhìn đầy lạc quan vào tương lai đối với các doanh nghiệp (DN) chế tạo trong nước.

Ông Hiếu đưa ra con số cụ thể: Trong các dự án điện gió ngoài khơi thì các DN Việt có thể hoàn toàn làm chủ và chế tạo được phần chân đế cho các trụ. Mỗi một dự án điện gió quy mô nhỏ nhất cũng tầm 30-40 trụ điện . Dự kiến mỗi năm đầu tư cho hệ thống chân đế sẽ khoảng 300.000 tấn thiết bị. Nhân với mỗi tấn tương đương 4.000 USD cả chi phí vật tư. Như vậy, mỗi năm trung bình sé có khoảng 1,2 tỷ USD thị phần cho các DN chế tạo trong nước. Thị trường và việc làm cho các DN trong nước chính ở trong con số 1,2 tỷ USD này. Cái chính là các doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này hay không?

Chia sẻ thêm về cơ hội cho các DN chế tạo trong nước, ông Hiếu cho biết, hiện đối với các dự án điện gió, chúng ta đang được các đối tác Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, các nước từ châu Âu lựa chọn thay vì Trung Quốc. Các đối tác lớn đang chú ý tới Việt Nam và Hàn Quốc. Trong cuộc đua này, Hàn Quốc chủ động hơn vì có sẵn nguồn nguyên liệu là thép tấm nhưng điện gió tại thị trường Việt Nam lại có tiềm năng lớn hơn về thị phần, vị trí cảng vùng sâu, gần biển…

Thiếu liên kết để tăng sức mạnh

Nhìn thấy rất nhiều tiềm năng, nhưng ông Nguyễn Quang Hiếu cũng chỉ ra một số cản trở đối với DN Việt: Thứ nhất DN cơ khí của ta còn nhỏ, thứ hai là thiếu sự liên kết, phát triển mà thiên về làm ăn tự phát, manh mún.

Doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước: Liệu có nắm được cơ hội vàng?

Chân đế cho Dự án điện gió ngoài khơi của PV Shipyard chế tạo

Ông Hiếu nhận định: Để nắm bắt cơ hội này, các DN cần phải có đầu tư bài bản và có tính liên kết cao. Lấy ví dụ cụ thể ngay tại PV Shipyard: Trước đây PV Shipyard đã chế tạo được dàn khoan tự nâng, chân đế cho các cột điện gió nhưng chế tạo dạng đơn chiếc. Tới đây, khi vào được các dự án điện gió ngoài khơi, đòi hỏi số lượng gấp rất nhiều lần. Như vậy chắc chắn chỉ có cách làm theo chuỗi và xây dựng một hệ thống nhà thầu phụ mới có thể đảm bảo về tiến độ và chất lượng được.

Để chế tạo được những thiết bị có kết cấu lớn như chân đế trụ điện gió, đòi hỏi phải xây dựng một nhà máy diện tích đủ lớn, có cầu cảng nước sâu và đầu tư công nghệ vào các loại máy hiện đại như máy cuốn ống, máy cắt, cầu trục, hệ thống vận chuyển... với dự kiến công suất từ 50 - 100.000 tấn/năm. Mỗi nhà máy này phải có vốn dao động từ 30-50 triệu USD.

Như vậy, quan điểm của PV Shipyard là các DN trong nước phải liên kết lại với nhau tạo nên sức mạnh. Vì vấn đề chính mà hầu hết DN chế tạo trong nước đang yếu đó là vốn. Khi thiếu vốn, các DN không thể tự mình xây dựng được cơ sở hạ tầng và đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến. Để khắc phục vấn đề này, PV Shipyard sẽ tìm kiếm và liên kết với các DN có tiềm lực về tài chính, ngành nghề tương đương, và kết hợp cùng với hệ thống ngân hàng, dùng dự án thế chấp xử lý vấn đề thiếu vốn.

Chính sự thiếu liên kết này cũng làm cho các DN trong nước thiếu đi nhiều thông tin quý. Ông Nguyễn Văn Giang - Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả cho rằng: Các DN chế tạo trong nước đang thiếu một thứ đó chính là được “ngồi chung bàn” với các tập đoàn lớn của Việt Nam. “Chỉ khi ngồi lại được với nhau, chúng ta mới biết được các tập đoàn lớn đang cần gì, đặt hàng những gì, từ đó mới có được đơn hàng”. Đây chính là điểm yếu và thiếu mà ông Giang mong muốn tới đây, VAMI sẽ là cầu nối tăng tính liên kết giữa các DN trong VAMI và các tập đoàn lớn của Việt Nam.

Chia sẻ với các DN, ông Nguyễn Chỉ Sáng cũng nhận định rõ ràng tính thiếu liên kết đã làm cho DN chế tạo trong nước mất nhiều cơ hội. Tính thiếu liên kết không chỉ xảy ra ở các DN cùng một ngành nghề, mà còn chính ở quy hoạch tổng thể. Ông Sáng đơn cử một ví dụ, Quy hoạch điện VIII có rất nhiều hạng mục liên quan đến ngành cơ khí chế tạo trong nước, nhưng thực tế không có một liên kết nào với ngành cơ khí. Việc thiếu một “nhạc trưởng” trong quy hoạch tổng thể này khiến các DN trong nước mất đi rất nhiều cơ hội để phát triển.

Nguyễn Duyên
 
Lượt xem: 143
Tác giả: admin1
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật