Kienlongbank kinh doanh ra sao dưới thời nữ Chủ tịch trẻ nhất ngành ngân hàng?
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - mã: KLB) vừa công bố thông tin về việc bà Trần Thị Thu Hằng từ nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) từ ngày 9/7. Dưới thời của nữ Chủ tịch trẻ này, Kienlongbank cũng đã có những bứt phá mạnh mẽ.
Bà Trần Thị Thu Hằng - chủ tịch Kienlongbank từ nhiệm
KienlongBank mới đây công bố thông tin, bà Trần Thị Thu Hằng từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT từ ngày 09/7/2024 theo nguyện vọng cá nhân.
Theo Quyết định của Hội đồng Quản trị, ông Trần Ngọc Minh - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc sẽ là người kế nhiệm, được HĐQT tin tưởng bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT KienlongBank thay thế cho bà Hằng. Cùng ngày, HĐQT cũng giao nhiệm vụ cho ông Trần Hồng Minh - Phó Tổng Giám đốc giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc.
Dù từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT, bà Trần Thị Thu Hằng vẫn sẽ tiếp tục công việc tại KienlongBank với tư cách thành viên HĐQT.
Bà Trần Thị Thu Hằng từng được biết đến là chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam sau khi được bầu làm Chủ tịch KienlongBank hồi tháng 5/2021 khi mới 36 tuổi.
Cựu chủ tịch KienlongBank sinh tại Thái Nguyên, hiện sinh sống tại Hà Nội. Bà Hằng tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trước khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, bà Hằng là Thành viên HĐQT ngân hàng này. Bà Hằng còn là Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn Sunshine (Sunshine Group), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KS Group.
Bà Hằng được bầu làm Thành viên HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 hồi tháng 1/2021. Trước khi về Sunshine Group vào tháng 3/2019, bà Hằng có hơn 10 năm làm việc tại MB, LienVietPostBank, MSB.
Hiện tại, bà Thu Hằng đang sở hữu hơn 17,2 triệu cổ phiếu KLB, tương đương với tỷ lệ 4,72% vốn điều lệ tại ngân hàng này.
Kienlongbank kinh doanh ra sao dưới thời Chủ tịch HĐQT Trần Thị Thu Hằng
Trong giai đoạn bà Trần Thị Thu Hằng dẫn dắt, KienlongBank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và để lại dấu ấn đậm nét trong việc định hướng chiến lược, xây dựng nền tảng quản trị vững chắc cho Ngân hàng. Hoạt động kinh doanh của KienlongBank tăng trưởng mạnh mẽ.
Thời điểm bà Hằng đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Kienlongbank tháng 5/2021, khi đó cổ phiếu KLB là 21.060 đồng/cp (hiện tại là 12.000 đồng/cp).
Xét tổng thể, giai đoạn 2021-2022 được đánh giá là thời điểm thăng hoa nhất của KLB khi liên tục tăng trưởng, giữ mức giá cao ở quanh vùng 20.000 - 30.000 đồng/cp, thậm chí đạt vùng đỉnh cao nhất, tiệm cận mức 40.000 đồng/cp.
KienLong Bank chi trả thù lao bao nhiều?
KLB dự kiến chi trả thù lao năm 2024 cho HĐQT và BKS là 30,360 tỷ đồng. ĐHĐCĐ đồng thời thông qua đề xuất thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận cho HĐQT và BKS là 5% x (lợi nhuận trước thuế thực tế - lợi nhuận trước thuế kế hoạch). Chưa kể phần thưởng vượt kế hoạch, thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong năm 2024 sẽ là khoảng 3,37 tỷ đồng.
Song, tới cuối năm 2022, không tránh khỏi xu hướng tiêu cực chung của toàn thị trường chứng khoán, KLB giảm mạnh về ngưỡng dưới 20.000 đồng/cp. Trạng thái này tiếp diễn tới đầu năm 2023, KLB lao dốc về 12.000 đồng/cp và duy trì mức giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/cp từ đó tới nay.
Nếu tính mốc thời gian 5 năm gần nhất, giai đoạn từ 2021-2023, hoạt động kinh doanh tại Kienlongbank có phần khởi sắc mạnh mẽ và cũng là thời điểm bà Trần Thị Thu Hằng giữ chức Chủ tịch HĐQT nhà băng này.
Đến năm 2023, mặc dù trải qua năm kinh tế khó khăn, KLB đã hoàn thành vượt 102% lợi nhuận trước thuế kế hoạch cả năm, đạt 719 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu đến từ mảng kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh mẽ, lần lượt gấp 1,7 lần và gấp 7,6 lần so với năm 2022.
Theo lý giải của lãnh đạo KLB, năm vừa qua, ngân hàng đã dành nguồn lực lớn cho đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng theo chủ trương Chính phủ; xem xét ưu tiên cấp tín dụng cho danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu mua nhà ở của người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trước đó (26/4), KienlongBank đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Đại hội cũng nhất trí thông qua các chỉ tiêu kinh doanh chủ chốt trong năm 2024 với tổng tài sản dự kiến đạt 90.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng đạt 60.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức cho phép dưới 3%.
KienlongBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 800 tỷ đồng, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tín dụng mục tiêu tăng hơn 14%, tổng huy động tăng 3,22%, tổng tài sản tăng 3,5% lần lượt đạt 60.000 tỷ, 81.000 tỷ và 90.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, KienlongBank dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2024. Đồng thời, Ngân hàng cũng chưa công bố thêm thông tin về kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10% đã trình ĐHCĐ năm ngoái.
Tính hết quý I/2024, KienlongBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 213 tỷ đồng, mang về 171 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được, Ngân hàng đã hoàn thành 27% kế hoạch năm được đề ra tại ĐHĐCĐ năm 2024.
Về hoạt động kinh doanh chủ chốt, trong 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của KienlongBank đạt 53.392 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức cho phép dưới 3%. Ngân hàng này cũng chủ động gia tăng bộ đệm thực hiện bao phủ nợ xấu, giảm tác động của nợ xấu cũng như linh hoạt ứng phó với các kịch bản xấu của thị trường trong tương lai.
KienlongBank cũng vừa công bố thông tin về việc dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm đáp ứng sớm các yêu cầu theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Theo tài liệu công bố, KienlongBank dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 10/2024 theo hình thức trực tuyến để trình cổ đông thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát; quy chế quản trị nội bộ của KienlongBank và các nội dung khác có liên quan. Tại đại hội bất thường lần này, KienlongBank cũng sẽ thay đổi cơ cấu, số lượng, bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2027.