Thứ năm, 19/09/2024 - 08:17

Buông lỏng quản lý thuê đất công viên: Doanh nghiệp, người lao động lao đao

Hàng rào tôn bịt kín xung quanh khu đất quy hoạch dự án khu công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông (Hà Nội), nhiều nhà đầu tư lao đao, hàng trăm người lao động ở đây bị ảnh hưởng đến việc làm... là những hệ luỵ trước việc buông lỏng quản lý, sử dụng đất, cho thuê mặt bằng tại khu công viên này.

Buông lỏng quản lý thuê đất công viên: Doanh nghiệp, người lao động lao đao

Các hoạt động trong khu vực thuê đất của dự án công viên đã tạm ngừng. Ảnh: Thư Hạnh.

Ngày 21.10.2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng khai thác tạm với 12 doanh nghiệp.

Qua đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông yêu cầu di chuyển toàn bộ người, tài sản công trình vật kiến trúc ra khỏi khu đất và bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng khu đất được thuê tại khu khai thác tạm quy hoạch Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông về Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Đông trước ngày 30.10.2022.

Việc chấm dứt hợp đồng khiến chủ đầu tư đứng trên bờ vực phá sản, nhiều tiểu thương, người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.

Hàng nghìn người lao động bơ vơ

“Bán làm sao được, trái cây thối hết đây này. Mỗi ngày vứt đi vài tải bưởi là ít” - bà Trần Thị Tài (Tuyên Quang) – Tiểu thương chợ tạm 365 vừa chỉ vào số bưởi thối la liệt dưới đất, vừa nói với PV. Bà Tài bán hoa quả từ khi khu chợ này bắt đầu được mở.

Tiểu thương lo lắng. Ảnh: Thư Hạnh.

Tiểu thương lo lắng. Ảnh: Thư Hạnh.

Tháng 10.2022, bà Tài và nhiều tiểu thương khác trong khu chợ nhận thông báo của cơ quan chức năng về việc buộc phải di dời, bàn giao mặt bằng cho UBND quận Hà Đông.

Chỉ sau thông báo vài ngày, cơ quan chức năng tiến hành quây rào toàn bộ khu dự án này khiến bà Tài phải đóng cửa ki ốt.

Sức khỏe yếu, bà Tài không thể đem số hoa quả vừa nhập về đi bán hàng rong.

Nhìn những quả bưởi, cam… héo mòn và thối dần từ ngày qua ngày trong ki ốt, bà Tài không khỏi bức xúc. Bởi, bao nhiêu vốn liếng, của cải vợ chồng bà đều đổ vào ki ốt hoa quả. Từ khi phải đóng cửa ki ốt, bà Tài cho biết, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Chồng tôi mới mổ bệnh tim cách đây không lâu. Tôi phải lo rất nhiều chi phí cho chồng nằm viện chữa trị. Tôi mong mỏi các cấp chính quyền tạo điều kiện cho chúng tôi được bán hết chỗ hàng hóa này”, bà Tài bày tỏ.

Kí hợp đồng thuê đã được 5 năm, đến nay, bà Vũ Thị Lương (Hòa Bình) – tiểu thương buôn bán hoa quả khu chợ tạm vừa mới hết hợp đồng không lâu. Để tiếp tục thuê ki ốt bán hàng, bà Lương phải trả số tiền thuê 1,5 – 2 triệu đồng/tháng.

Cũng như bà Tài, bà Lương cũng nhận thông báo buộc phải di dời khỏi khu chợ tạm này. Để có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại, bà Lương tìm mọi cách buôn bán với các khu chợ đầu mối khác.

“Các tiểu thương như tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi vừa phải tìm một khu chợ mới để buôn bán vừa phải tìm cách để giải quyết hàng hóa tồn đọng. Bởi các tiểu thương như chúng tôi tự dưng đến một khu chợ bán là rất khó”, bà Lương cho hay.

Bà Nguyễn Thị Vân (SN 1969, Hà Tĩnh) là nhân viên tạp vụ của Công ty Cổ phần Golf Hà Đông đã được hơn 4 năm. Mỗi tháng, bà Vân nhận mức lương khoảng 6 triệu đồng, chồng bà Vân làm bảo vệ cũng có mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của hai vợ chồng phải tằn tiện lắm mới đủ tiền để nuôi 3 con, 2 cháu đang học cấp 2, 1 cháu bước vào cấp 3.

“Tiền trọ, tiền ăn, tiền điện nước… phải chi trả, tôi cũng không có nhiều tiền gửi về cho các con. Có tháng ốm đau, vợ chồng tôi phải vay mượn anh em, họ hàng để các con có tiền ăn học trước rồi có lương mới trả sau”, bà Vân bộc bạch.

Sau khi nhận thông báo công ty này sẽ phải đóng cửa, bà luôn trong tình trạng thấp thỏm lo mất việc. “Hoang mang lắm, không biết làm thế nào đây. Độ tuổi của tôi bây giờ đi xin việc thì ai nhận, ba con nhỏ ở nhà ai lo?”.

Chủ đầu tư đứng trên bờ vực phá sản

Bà Nguyễn Thị Minh Yến - Đại diện Công ty Cổ phần Golf Hà Đông cho biết, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với 12 doanh nghiệp, trong đó có công ty mà bà Yến quản lý.

Bà Nguyễn Thị Minh Yến - Đại diện Công ty cổ phần Golf Hà Đông. Ảnh: Thư Hạnh.

Bà Nguyễn Thị Minh Yến - Đại diện Công ty cổ phần Golf Hà Đông. Ảnh: Thư Hạnh.

Sau khi kí hợp đồng, sân golf được đầu tư hơn 60 tỉ đồng để cải tạo mặt bằng, đảm bảo các quy định an toàn PCCC mất hơn 1 năm. Đến giữa năm 2017, khu tập golf Hà Đông chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, 2 năm do dịch COVID-19, công ty không thể mở cửa, khi vừa đón khách trở lại thì công ty nhận thông báo chấm dứt hoạt động.

“Chúng tôi mong mỏi được tạo điều kiện được vận hành, khai thác tạm tại Dự án Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông trong một thời gian ngắn để đảm bảo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động. Đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư được thu hồi một phần vốn đầu tư, để người dân quận Hà Đông và TP Hà Nội được vui chơi, rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe" - bà Yến nói.

Đồng thời, bà Yến cho rằng, các doanh nghiệp có thời gian để giải quyết các vấn đề với các đối tác, khách hàng và chuyển đổi việc làm cho những người lao động do phải chấm dứt hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại khu vực khai thác tạm.

Tin liên quan