Xét tuyển thẳng lớp 10 với chứng chỉ IELTS: Liệu có gây bất bình đẳng?
Từ năm học 2023-2024, một số trường THPT tại Hà Nội dự kiến áp dụng phương thức tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ IELTS mức khá trở lên khi tuyển sinh vào lớp 10. Có ý kiến cho rằng điều này giúp giảm áp lực thi cử, nhưng cũng không ít người lo ngại phát sinh nhiều bất cập.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này:
PV: Trước quyết định của một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội sử dụng kết quả thi IELTS để tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh khi tuyển sinh lớp 10, ông nhìn nhận việc này thế nào ạ?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Chúng ta hãy phân tích tổng quan. Trước hết là các trường chất lượng cao, có định hướng quốc tế thì họ sẽ ưu tiên hơn cho học sinh có năng lực ngoại ngữ tốt. Nên chứng chỉ IELTS sẽ có ưu thế, các em sẽ tiếp thu kiến thức dễ hơn.
Nhưng nếu chúng ta quá đề cao và tiến tới dùng IELTS để tuyển thẳng vào 10 thì sẽ gây ra sự học lệch của học sinh.
Các em sẽ chỉ học tiếng Anh. Gia đình cũng chỉ đầu tư ngoại ngữ, nó góp phần làm cho quy trình giáo dục và chất lượng dạy bị ảnh hưởng.
PV: Như vậy có vẻ ông đang nghiêng về hướng không đồng tình với chuyện dùng kết quả thi IELTS để xét tuyển? Nếu vậy, theo ông việc dạy và học cần điều chỉnh thế nào để kỳ thi vào lớp 10 không còn là "cuộc chiến" căng thẳng như cách nó đang diễn ra?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Nó có thể gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục. Vì ta biết là để có chứng chỉ IELTS học sinh nỗ lực đã đành, gia đình còn phải đầu tư không ít tiền để học và thi được. Mà Đảng Nhà nước ta chủ trương giáo dục không phân biệt giàu nghèo, dân tộc... nên rõ ràng nếu ta quá chú trọng và ưu tiên cho chứng chỉ IELTS thì sẽ có những bạn học sinh có năng lực nhưng điều kiện gia đình không cho phép sẽ bị thiệt thòi.
Còn nói về giảm áp lực thi cử vào 10, nhà trường cũng hãy thay đổi tư duy, đừng quá tập trung cho việc tăng tỷ lệ học sinh đỗ vào trường tốt.
Quan trọng là đào tạo ra được bao nhiêu học sinh có đạo đức, trách nhiệm, có kỹ năng tốt. Gia đình cũng thế. Hãy thay đổi tư duy, thì áp lực thi sẽ giảm đi.
PV: Xin cảm ơn ông!./.