Giá bán thấp khiến doanh thu 6 tháng của Sao Ta giảm 28%
Cùng trong bối cảnh giá bán giảm do sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu, doanh thu của Sao Ta 6 tháng đầu năm cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024. Tính riêng tháng 6, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt 13,46 triệu USD (tương đương 323 tỷ đồng), giảm 28% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng có doanh số thấp nhất trong vòng 4 tháng gần đây của doanh nghiệp này.
Cùng với những kết quả của những tháng đầu năm, kết thúc 6 tháng 2024, Sao Ta ghi nhận doanh số ước tính 95 triệu USD (khoảng 2.280 tỷ đồng), tăng 17% so với cùng kỳ. Kết quả trên đã giúp công ty thực hiện được 45% kế hoạch năm đặt ra.
Trong cơ cấu các mặt hàng, tôm thành phẩm chế biến vẫn đạt sản lượng lớn nhất với trên 11.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ. Tiếp đến là tôm chế biến với gần 8.500 tấn. Mảng nông sản sản xuất và tiêu thụ trong 6 tháng lại có phần kém sáng khi đều sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ.
Sao Ta cho biết trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ tăng nhờ một phần vào tôm tự nuôi và hợp đồng tiêu thụ ổn định. Doanh số tăng thấp hơn sản lượng tiêu thụ do cỡ tôm nhỏ hơn và đơn giá có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Công ty dự báo doanh số trong thời gian còn lại của năm khá vững do đơn hàng tốt. Về nuôi trồng, Sao Ta cho biết vùng nuôi, vụ chính đang trong tiến trình thu hoạch tỉa và kéo dài hết tháng 8, sau đó công ty sẽ thả nuôi vụ tiếp theo. Sao Ta đánh giá vụ này năng suất tốt nhưng giá tôm thương phẩm thấp.
Doanh thu của Sao Ta giảm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam cũng như thế giới phải cạnh tranh gay gắt khi nguồn cung tăng cao. Tại báo cáo mới đây của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông cho biết, tôm đang là mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất của xu hướng giảm giá. Không chỉ Việt Nam, các nước sản xuất và xuất khẩu tôm khác cũng chịu tác động chung của thị trường khiến giá nguyên liệu giảm.
Ví dụ như giá tôm thẻ nguyên liệu các cỡ từ 50-80con/kg của Ấn Độ tới tháng 6 giảm gần 4% - 6% so với tháng trước. Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam mặc dù giảm sâu hơn nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng loại và size cỡ tôm Ấn Độ.
Yếu tố thị trường đang chi phối giá xuất khẩu và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, trong khi cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, nên giá đi hầu hết các thị trường đều giảm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 được tổ chức mới đây, ban lãnh đạo công ty nhận định, với xu thế lạm phát, sức mua yếu trong khi cung toàn cầu tăng mạnh, do đó cùng một sản phẩm sẽ khó tăng giá bán. Tuy nhiên, công ty vẫn có khả năng tăng giá bán với sản phẩm mới, sản phẩm riêng biệt, kích cỡ khan hiếm hoặc nhà sản xuất có uy tín.
Với từng thị trường, doanh nghiệp sẽ có hướng tiếp cận khác nhau. Ví dụ như tại đối tác lớn nhất là Nhật Bản, lãnh đạo công ty cho biết khó đoán định thị trường thế giới khi nào hồi phục cũng như thị trường nào cải thiện trước, những vẫn kỳ vọng thị trường Nhật Bản phục hồi sớm nhất.Một khó khăn với doanh nghiệp là đồng Yên mất giá có thể tác động đến việc bán hàng sang Nhật Bản. Sao Ta cho biết vẫn đang trao đổi thường xuyên với khách hàng để có sự phối hợp chia sẻ nhằm giữ thị phần, hiện bán ở cả kênh lẻ và kênh nhà hàng.
Đối với vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ thị trường Mỹ, lãnh đạo Sao Ta giải thích đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ nên sẽ tập trung theo dõi diễn biến tình hình, nhưng chắc chắn là có tác động.
"Trước mắt FMC sẽ tập trung bán vào Mỹ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt", một lãnh đạo công ty khẳng định.